#6-Đối tượng chịu thuế và thu nhập chịu thuế đối với thuế nhà thầu

0

Bài này nói về “đối tượng chịu thuế nhà thầu” các bạn nhé. Các bạn đừng nhầm lẫn với “đối tượng áp dụng thuế nhà thầu”. Đối tượng áp dụng thuế nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Thế còn đối tượng chịu thuế nhà thầu là các hàng hóa, dịch vụ do Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp nha các bạn. Cụ thể như sau:

Như đã biết Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Do vậy đối tượng chịu thuế nhà thầu cũng chính là đối tượng chị thuế giá trị gia tăng. Thu nhập chịu thuế nhà thầu cũng là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tất nhiên là phải liên quan đến các đối tượng áp dụng thuế nhà thầu.

I/ Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng:

Là dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp, khi:

  • Cung cấp tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam
  • Cung cấp ngoài Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam.

Lưu ý:

1/ Trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định ở khâu nhập khẩu, phần giá trị dịch vụ (thu nhập) từ cảng về nơi giao nhận trong lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn của thông tư về thuế nhà thầu.

2/ Trường hợp cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định ở khâu nhập khẩu, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn của thông tư về thuế nhà thầu. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí) thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng.

Lưu ý gì mà dài dòng, khó hiểu quá, nôm na là:

+ Nếu tách riêng được phần giá trị hàng hóa và phần dịch vụ đi kèm:. Thì phần giá trị hàng hóa sẽ tính thuế GTGT theo quy định tại khâu nhập khẩu (theo tờ khai hải quan). Còn phần dịch vụ sẽ là đối tượng chịu thuế GTGT và được tính theo hướng dẫn của thông tư về thuế nhà thầu. (tránh được tình trạng tính trùng thuế GTGT 2 lần cho phần giá trị hàng hóa)

+ Nếu không tách được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm: thì thuế GTGT được tính chung cho cả giá trị hợp đồng (gồm cả giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ)

Ví dụ: + Doanh nghiệp A ở Việt Nam ký hợp đồng mua dây chuyền máy móc thiết bị cho Dự án Nhà máy xi măng với Doanh nghiệp B ở nước ngoài. Tổng giá trị Hợp đồng là 100 triệu USD, bao gồm giá trị máy móc thiết bị là 80 triệu USD (trong đó, thiết bị thuộc diện chịu thuế GTGT với thuế suất 10%, đã nộp thuế GTGT này ở khâu nhập khẩu), giá trị dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng là 20 triệu USD.

+ Việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT của Công ty B đối với giá trị hợp đồng ký với doanh nghiệp A như sau:

– Thuế GTGT được tính trên giá trị dịch vụ (20 triệu USD), không tính trên giá trị dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu.

– Trường hợp Hợp đồng không tách riêng được giá trị dây chuyền máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì thuế GTGT được tính trên toàn bộ giá trị hợp đồng (100 triệu USD).

II/ Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động:

  • Cung cấp, phân phối hàng hóa;
  • Cung cấp dịch vụ;
  • Dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam

Lưu ý: Cũng có một số lưu ý như đối tượng chị thuế GTGT ở trên:

+ Nếu tách riêng được phần giá trị hàng hóa và phần dịch vụ đi kèm:

Thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ:

Thu nhập chịu thuế TNDN của cả hợp đồng = Thu nhập chịu thuế TNDN phần hàng hóa + Thu nhập chịu thuế TNDN phần dịch vụ

(Vì hàng hóa và dịch vụ có tỷ lệ chịu thuế khác nhau)

+ Nếu không tách được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm:

Thì tính thuế TNDN trên tổng giá trị hợp đồng

Ví dụ: Công ty A ở Việt Nam ký hợp đồng mua dây chuyền máy móc thiết bị cho Dự án Nhà máy xi măng với Công ty B ở nước ngoài. Tổng giá trị Hợp đồng là 100 triệu USD (không bao gồm thuế GTGT), bao gồm giá trị máy móc thiết bị là 80 triệu USD, giá trị dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng là 20 triệu USD.

Nghĩa vụ thuế TNDN của Công ty B đối với Giá trị hợp đồng được xác định như sau:

– Thuế TNDN được tính riêng đối với giá trị dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu (80 triệu USD) và tính riêng đối với giá trị dịch vụ (20 triệu USD) theo từng tỷ lệ thuế TNDN theo quy định.

– Trường hợp Hợp đồng không xác định cụ thể giá trị dây chuyền máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì tính thuế TNDN trên tổng giá trị hợp đồng (100 triệu USD) với tỷ lệ thuế TNDN theo quy định.

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu xong về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu. Nếu còn vướng mắc bạn commet lại nhé 🙂

Xem thêm bài viết liên quan:



About Author

Chào mừng bạn đến Học Viện Kế Toán Việt Nam - Tổ chức Huấn luyện Kế toán thực tế chuyên sâu. Chúng tôi rất hạnh phúc khi được cho đi những kiến thức mà mình tích lũy được. Và hạnh phúc hơn khi được bạn chia sẻ nó. Cảm ơn bạn! - Liên hệ tư vấn và ĐĂNG KÝ HỌC ONLINE: 0973 09 22 99