Site icon Học Viện Kế Toán Việt Nam

Hướng dẫn lập Báo cáo Kết quả kinh doanh theo thông tư 200/2014/TT-BTC

Hướng dẫn lập kết quả kinh doanh

Hướng dẫn lập kết quả kinh doanh

Bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn Hướng dẫn lập báo cáo kết quả kinh doanh và dẫn nguồn số liệu để lập. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là biểu lập theo thời kỳ, từ ngày… đến ngày… (thường là 01/01/N – 31/12/N).

Do vậy bạn có thể căn cứ vào Bảng cân đối số phát sinh tài khoản năm để lấy số liệu từ tài khoản loại 5 đến loại 8 cột phát sinh (đối với số liệu của những doanh nghiệp không có các nghiệp vụ đặc thù như hàng bán bị trả lại, điều chỉnh giá, hay có các loại thuế tính trên doanh thu…).

Trường hợp doanh nghiệp có những nghiệp vụ đặc thù như trên phát sinh, thì bạn phải căn cứ thêm vào sổ sách chi tiết của từng tài khoản từ loại 5 đến 8 để lấy.

Mẫu báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lớn

Báo cáo kết quả kinh doanh

Hướng dẫn lập báo cáo kết quả kinh doanh chi tiết cho từng chỉ tiêu

Lưu ý: mẫu báo cáo kết quả kinh doanh phía trên đã được thêm một số chỉ tiêu phụ để phục vụ cho việc lấy số liệu khi làm trên phần mềm Excel. Các chỉ tiêu phụ là những chỉ tiêu có ký tự phụ a, b, c.

Mã số 01 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Là tổng doanh thu phát sinh bên có trên sổ cái tài khoản 511 (không bao gồm các loại thuế gián thu, các khoản điều chỉnh giảm giá do xuất hóa đơn điều chỉnh sau khi 2 bên đã kê khai thuế giá trị gia tăng).

Mã số 02 – Các khoản giảm trừ doanh thu (gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại): Là tổng phát sinh bên Có sổ cái tài khoản 521 đối ứng với bên Nợ tài khoản 511. (với doanh nghiệp nhỏ, vừa không có tài khoản 521 thì các khoản giảm trừ doanh thu cần được lọc từ số phát sinh bên Nợ Tk 511).

Mã số 10 – Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ = Mã số 01 – 02.

Mã số 11 – Giá vốn hàng bán: Là tổng phát sinh bên Có sổ cái tài khoản 632 đối ứng với bên Nợ Tk 911

Mã số 20 – Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ: = Mã số 10 – 11.

Mã số 21 – Doanh thu hoạt động tài chính: Là tổng phát sinh bên Nợ sổ cái tài khoản 515 đối ứng với bên Có Tk 911.

Mã số 22 – Chi phí tài chính: Là tổng phát sinh bên Có sổ cái tài khoản 635 đối ứng với bên Nợ Tk 911.

Mã số 23 – Chi phí lãi vay: Căn cứ vào sổ cái tài khoản 635 bạn lọc ra các nghiệp vụ chi phí lãi vay.

Mã số 25 – Chi phí bán hàng: Là tổng phát sinh bên Có sổ cái tài khoản 641 (hoặc 6421 với doanh nghiệp nhỏ, vừa) đối ứng với bên Nợ Tk 911.

Mã số 26 – Chi phí quản lý doanh nghiệp: Là tổng phát sinh bên Có sổ cái tài khoản 642 (hoặc 6422 với doanh nghiệp nhỏ, vừa) đối ứng với bên Nợ Tk 911.

Mã số 30 – Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: = Mã số 20 + (21 – 22) – 25 – 26.

Mã số 31 – Thu nhập khác: Là tổng phát sinh bên Nợ sổ cái tài khoản 711 đối ứng với bên Có Tk 911. Nhưng phải tách riêng được giao dịch thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư. Với những giao dịch này thì không lấy toàn bộ phát sinh bên Nợ 711 đối ứng với bên Có 911 mà chỉ lấy phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT và chi phí thanh lý.

Mã số 32 – Chi phí khác: Là tổng phát sinh bên Có sổ cái tài khoản 811 đối ứng với bên Nợ Tk 911. Nhưng phải tách riêng được giao dịch thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư. Với những giao dịch này thì không lấy toàn bộ phát sinh bên Có 811 đối ứng với bên Nợ 911 mà chỉ lấy phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT và chi phí thanh lý.

Mã số 40 – Lợi nhuận khác: = Mã số 31 – 31

Mã số 50 – Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế: = Mã số 30 + 40.

Mã số 51 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành: Là tổng phát sinh bên Có sổ chi tiết tài khoản 8211 (hoặc 821 với doanh nghiệp nhỏ, vừa) đối ứng với bên Nợ Tk 911. Hoặc căn cứ vào tổng phát sinh bên Nợ sổ chi tiết tài khoản 8211 đối ứng với bên Có Tk 911 (trường hợp này số liệu được ghi vào chỉ tiêu này bằng số âm).

Mã số 52 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại: tương tự chỉ tiêu 51

Mã số 60 – Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp: = Mã số 50 – (51+ 52).

Mã số 70 – Lãi cơ bản trên cổ phiếu: Chỉ tiêu này phản ánh lãi cơ bản trên cổ phiếu, chưa tính đến các công cụ được phát hành trong tương lai có khả năng pha loãng giá trị cổ phiếu. Chỉ tiêu này được trình bày trên Báo cáo tài chính của công ty cổ phần là doanh nghiệp độc lập. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ được trình bày trên Báo cáo tài chính hợp nhất, không trình bày trên Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.

Mã số 71 – Lãi suy giảm trên cổ phiếu: Chỉ tiêu này phản ánh lãi suy giảm trên cổ phiếu, có tính đến sự tác động của các công cụ trong tương lai có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu và pha loãng giá trị cổ phiếu. Chỉ tiêu này được trình bày trên Báo cáo tài chính của công ty cổ phần là doanh nghiệp độc lập. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ được trình bày trên Báo cáo tài chính hợp nhất, không trình bày trên Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.

Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn lập báo cáo kết quả kinh doanh và những điểm lưu ý đối với một số chỉ tiêu đặc thù. Hy vọng các bạn đã nắm được nguyên tắc lập. Với phần mềm kế toán chuyên nghiệp thì nó sẽ tự tổng hợp số liệu cho bạn. Còn nếu bạn làm trên Excel thì bạn cần nắm được nguyên tắc trên để lấy số liệu lập KQKD cho chính xác.

Xem thêm về lập báo cáo tài chính:

Exit mobile version