Kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT thực hiện như thế nào? Có những trường hợp kê khai bổ sung nào xảy ra trong thực tế. Hồ sơ cần có những gì để nộp đến cơ quan thuế. Cách kê khai bổ sung như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé:
1. Hồ sơ và thời hạn nộp hồ sơ kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT
Hồ sơ gồm:
- Tờ khai bổ sung, điều chỉnh 01/GTGT (Mẫu giống tờ kê khai lần đầu, nhưng kê số liệu đã sửa đổi)
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh 01/KHBS (ghi lý do điều chỉnh vào mục 2 nhỏ trên tờ khai)
- Và các tài liệu giải trình khác đính kèm (nếu có)
Hạn nộp hồ sơ:
+ 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra
+ Khi nào kê khai bổ sung: Ngay sau khi nộp tờ khai lần đầu mà có sai sót (Tức khi các bạn đã nộp tờ khai lần đầu rồi, sau đó phát hiện tờ khai đã nộp có sai sót thì bạn được kê khai bổ sung, điều chỉnh ngay)
+ Có bao nhiêu lần khai bổ sung. Có N lần kê khai bổ sung, điều chỉnh. Bổ sung lần 1 là bổ sung cho tờ khai lần đầu. Bổ sung lần 2 là bổ sung, điều chỉnh cho bổ sung lần 1… cứ như thế đến khi nào không được kê khai bổ sung nữa (thời hạn bổ sung đã nói ở trên).
2. Nguyên tắc kê khai bổ sung, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng?
1. Sai kỳ nào quay lại kỳ đó sửa: Tức là mở lại tờ khai của kỳ sai sót với trạng thái tờ khai bổ sung để sửa lại.
2. Không kê khai bổ sung, điều chỉnh lũy kế các kỳ trong khoảng thời gian từ kỳ sai sót đến kỳ phát hiện.
Ví dụ: Tháng 9/N phát hiện tờ khai tháng 3/N bị sai chỉ tiêu 43, dẫn đến tờ khai tháng 4/N sẽ sai chỉ tiêu 22. Nhưng bạn chỉ kê bổ sung cho kỳ tháng 3/N thôi chứ không kê bổ sung tờ tháng 4/N nữa. Số chênh lệch sau khi kê điều chỉnh sẽ được xử lý ở kỳ phát hiện (kỳ tháng 9/N).
3. Nếu sai sót ảnh hưởng đến giảm hoặc tăng chỉ tiêu 43 của kỳ sai sót thì chênh lệch giảm hoặc tăng đó được điều chỉnh vào chỉ tiêu 37 hoặc 38 của tờ khai thuế kỳ phát hiện.
Nguyên tắc này chính là nói đến ví dụ trên đó các bạn.
- Chỉ tiêu 37 – Điều chỉnh GIẢM thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước
- Chỉ tiêu 38 – Điều chỉnh TĂNG thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước
4. Nếu khi kê khai bổ sung, điều chỉnh mà liên quan đến cả điều chỉnh giảm hoặc điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước thì không thực hiện bù trừ 2 chỉ tiêu này ở kỳ phát hiện.
Ví dụ: Tháng 11/N
- Phát hiện tờ khai tháng 2/N sai, khi điều chỉnh thì làm TĂNG số còn được khấu trừ tháng 2/N là 5trđ
- Đồng thời phát hiện tờ khai tháng 4/N cũng sai, khi điều chỉnh làm GIẢM số còn được khấu từ tháng 4/N là 3trđ
=> Kế toán không bù trừ tăng, giảm hai số liệu trên mà 5tr tăng thì kê vào chỉ tiêu 38, 3trđ giảm thì kê vào chi tiêu 37 của tờ khai tháng 11/N.
3. Quy trình khai bổ sung điều chỉnh thuế
+ Bước 1: Bạn đăng nhập HTKK => Thuế GTGT => Chọn loại tờ khai => Chọn kỳ tính thuế (tháng/quý) => Chọn kỳ sai sót => Chọn tờ khai bổ sung => Chọn số lần bổ sung => Ngày kê khai (mặc định) => Đồng ý
+ Bước 2: Vào tờ khai điều chỉnh => tìm đến thông tin kê khai sai và sửa lại theo thông tin đúng (sai đâu sửa đó)
+ Bước 3: Bấm Tổng hợp KHBS => Ghi => Xuất XML để nộp cho Cơ quan thuế.
+ Nếu kê khai qua mạng thì bạn truy cập thuedientu.gdt.gov.vn và làm tương tự.
4. Các trường hợp kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT
4.1. Sai sót khi chưa hết hạn nộp tờ khai thuế
Có nghĩa rằng bạn đã nộp tờ khai lần đầu rồi, sau đó phát hiện tờ khai đã nộp bị sai, nhưng thời hạn kê khai thuế vẫn còn. Trường hợp này bạn kê khai bổ sung bình thường theo quy trình trên và sẽ không bị tính tiền chậm nộp.
4.2. Sai sót khi đã hết hạn nộp tờ khai nhưng không làm thay đổi tiền thuế
Những sai sót có thể gặp như: Sai doanh thu bán ra (doanh thu không chịu thuế hoặc thuế 0%), hoặc sai giá trị mua vào….Những sai sót này không làm thay đổi tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ, tiền thuế đề nghị hoàn.
Các bạn thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh theo quy trình trên và sẽ không bị tính tiền chậm nộp trong trường hợp này.
4.3. Sai sót khi đã hết hạn nộp tờ khai và làm thay đổi tiền thuế
Các bạn có thể gặp phải các sai sót trong trường hợp này như:
- Kê khai thừa hoặc thiếu hóa đơn đầu ra
- Kê khai thừa hóa đơn đầu vào
- Kê khai sai tiền thuế, thuế suất, doanh số bán ra, giá trị HHDV mua vào (với hóa đơn chịu thuế)
- Quên không chuyển số dư còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang…
Với những trường hợp sai sót này các bạn thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh thuế GTGT theo đúng quy trình trên. Kết quả kê khai bổ sung, điều chỉnh thuế được tổng hợp tại tờ khai 01/KHBS, các bạn chỉ cần quan tâm đến Mã số chỉ tiêu 40 và 43, tại cột chênh lệch giữa số điều chỉnh với số đã kê khai. Giả định chỉ tiêu 40 = A, và chỉ tiêu 43 = B.
5. Xử lý sau khi lập xong tờ khai bổ sung, điều chỉnh thuế
5.1. Nếu A > 0 và B = 0 => Làm tăng số thuế phải nộp của kỳ khai bổ sung
- Nộp hồ sơ khai bổ sung, điều chỉnh
- Nộp số tiền thuế chậm nộp (chính bằng số A)
- Nộp tiền chậm nộp tiền thuế (lãi ngày chậm nộp) (Phần mềm tự động tính ra số tiền chậm nộp)
5.2. Nếu A < 0 và B = 0 => Làm giảm số thuế phải nộp của kỳ khai bổ sung
- Nộp hồ sơ khai bổ sung, điều chỉnh
- Số tiền thuế nộp thừa (chính bằng số A nhưng thể hiện trong ngoặc, tức là âm) được theo dõi và bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ sau hoặc được hoàn thuế (Nếu đủ điều kiện hoàn thuế).
- Trường hợp này không bị tính tiền chậm nộp
5.3. Nếu A = 0 và B > 0 => Làm tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của kỳ khai bổ sung
- Nộp hồ sơ khai bổ sung, điều chỉnh
- Số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ thêm (chính là số B) sẽ kê khai vào chỉ tiêu 38: “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ phát hiện.
- Trường hợp này không bị tính tiền chậm nộp
Ví dụ: Tháng 8/20N bạn phát hiện tờ khai thuế GTGT tháng 1/20N có sai sót và liên quan đến điều chỉnh vào 37 hoặc 38 thì bạn thực hiện các điều chỉnh đó vào chỉ tiêu 37 hoặc 38 của kỳ khai thuế tháng 7/20N (nếu chưa nộp tờ khai tháng 7). Hoặc điều chỉnh vào tờ khai thuế GTGT tháng 8/20N (nếu đã nộp tờ khai thuế tháng 7/20N).
5.4. Nếu A = 0 và B < 0 => Làm giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của kỳ khai bổ sung nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (do A=0)
- Nộp hồ sơ khai bổ sung, điều chỉnh
- Số thuế GTGT không được khấu trừ (chính là số B ở dạng âm) kê khai vào chỉ tiêu 37: “Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ phát hiện.
- Trường hợp này không bị tính tiền chậm nộp
Ví dụ: Chỉ tiêu 43 của kỳ sai sót là 50trđ, sau khi kê khai bổ sung thì vẫn còn 10trđ được khấu trừ (tức không phát sinh phải nộp thuế). Nên trường hợp này không bị tính tiền chậm nộp.
5.5. Nếu A > 0 và B < 0 (bạn không còn được khấu trừ nữa mà phát sinh phải nộp thuế GTGT)
- Nộp hồ sơ khai bổ sung, điều chỉnh
- Nộp số VAT phát sinh tăng tại chỉ tiêu 40 (số A) + Tiền chậm nộp
- Số VAT không còn được khấu trừ (số B) bạn điều chỉnh vào chỉ tiêu 37 “Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ phát hiện.
5.6. Nếu A < 0 và B > 0 (bạn không phải nộp thuế nữa mà chuyển sang được khấu trừ thuế)
- Nộp hồ sơ khai bổ sung, điều chỉnh
- Số VAT nộp thừa ở chỉ tiêu 40 (số A) được bù trừ vào số phải nộp của kỳ sau hoặc hoàn thuế.
- Điều chỉnh số VAT được được khấu trừ thêm (số B) vào chỉ tiêu 38 “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ phát hiện.
Lưu ý: Trường hợp phát hiện kê khai thiếu hóa đơn đầu vào của các kỳ trước (quên chưa kê khai) thì hóa đơn đó sẽ được kê khai khấu trừ vào kỳ tính thuế phát hiện ra sai sót và không bị giới hạn thời gian kê khai, nhưng phải trước khi cơ quan thuế có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp. Trường hợp này không phải kê khai bổ sung, điều chỉnh như hướng dẫn trên.
Ví dụ: Công ty A có hóa đơn đầu vào mua ngày 10/01/20N quên chưa kê khai vào kỳ tính thuế tháng 01/20N. Ngày 12/08/20N, kế toán phát hiện hóa đơn này chưa kê khai thì được kê khai khấu trừ hóa đơn đó vào kỳ kê khai thuế GTGT tháng 07/20N (nếu chưa nộp tờ khai thuế tháng 7). Hoặc kê khai khấu trừ vào kỳ khai thuế tháng 8/20N (nếu đã nộp tờ khai tháng 7).
Trên đây là toàn bộ nội dung về hướng dẫn kê khai bổ sung điều chỉnh thuế GTGT. Với các loại thuế khác thì các bạn cũng vận dụng tương tự về quy trình kê khai nhé.
Nếu còn vướng mắc cần giải đáp thì bạn comment hoặc inbox để cùng chia sẻ. Chúc bạn thành công
Xem thêm về kê khai thuế: