Không góp đủ vốn điều lệ có bị phạt không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nắm rõ về luật doanh nghiệp, luật đầu tư và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư.
Thực tế thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng này. Khi thành lập có đăng ký vốn góp, nhưng khi vào hoạt động thì không góp đủ vốn điều lệ như đã cam kết trong điều lệ.
1. Quy định pháp luật về doanh nghiệp và kế hoạch đầu tư:
a. Quy định của luật doanh nghiệp:
Một trong những hành vi bị cấm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại khoản 5, điều 17, luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13, theo đó:
“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm
5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.”
Vậy thời hạn góp vốn là bao lâu: Các bạn có thể tham khảo: điều 48, điều 74, điều 112 luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13.
Điểm chung của 3 điều này là đều quy định thời hạn góp vốn của thành viên (công ty TNHH 2 thành viên trở lên), chủ sở hữu (doanh nghiệp tư nhân), công đông (công ty cổ phần) là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau thời gian trên nếu chưa góp đủ vốn hoặc không góp vốn thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh vốn góp…
b. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư:
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh vốn góp theo hướng dẫn của luật doanh nghiệp thì sẽ bị xử phạt theo nghị định 50/2016/NĐ-CP – Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (ban hành ngày 01/06/2016, hiệu lực thi hành ngày 15/07/2016), cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 3, điều 28 nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.”
Ngoài ra doanh nghiệp buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.
2. Ai sẽ xử phạt khi doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ?
Căn cứ khoản 2, điều 55, nghị định 50/2016/NĐ-CP
“Điều 55. Phân định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư, Thuế và Quản lý thị trường
2. Những người có thẩm quyền của cơ quan Thuế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 15, Điều 25, Điểm a Khoản 1 Điều 30, Điều 31, Điểm a, Điểm d Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 32, Điểm b Khoản 1 Điều 36, Điều 37, Điểm b Khoản 1 Điều 38, Điểm d Khoản 1 Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 44, Điểm b Khoản 2 Điều 45, Khoản 2 Điều 47 và Điều 50 Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 53 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.”
>>> Như vậy chúng ta thấy trong điều 55 nghị định 50/2016/NĐ-CP không có quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan thuế đối với điều 28 nghị định 50/2016/NĐ-CP. Cũng có nghĩa là cơ quan thuế không có quyền xử phạt khi doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ.
Kết luận:
- Doanh nghiệp sẽ không bị phạt nếu thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định tại luật doanh nghiệp.
- Sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký, mà không đăng ký thay đổi vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Cơ quan thuế không có thẩm quyền xử phạt nhưng có thể gửi văn bản sang các cơ quan liên quan có thẩm quyền khác để tiến hành kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp.
Kế toán thường xử lý góp đủ vốn bằng cách hạch toán góp đủ vốn bằng tiền mặt Nợ TK 111/ Có TK 411. Trong khi tiền góp thực tế thì không phải như vậy. Trường hợp này dẫn đến vốn ảo trên sổ sách. Vậy xử lý thế nào, các bạn xem bài viết phía dưới nhé.
BÀI VIẾT NÊN XEM: