Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố Quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
A. Quy định về thời hạn thanh tra
1. Quy định chung về thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra:
a) Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày làm việc. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày làm việc;
b) Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày làm việc;
c) Cuộc thanh tra do Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày làm việc; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày làm việc. (chỗ này áp dụng cho chi cục thuế thực hiện thanh tra)
Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố Quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.
2. Thời hạn thanh tra chuyên ngành về thuế
a. Cuộc thanh tra do Tổng cục thuế tiến hành
- Không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra,
- Trường hợp phải gia hạn thời gian thanh tra thì tổng không quá 70 ngày làm việc
b. Cuộc thanh tra do Cục thuế tiến hành
- Không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra,
- Trường hợp phải gia hạn thời gian thanh tra thì tổng không quá 45 ngày làm việc.
B. Gia hạn thời hạn thanh tra
1. Việc gia hạn thời hạn thanh tra được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Các cuộc thanh tra phức tạp, đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương;
b) Cần lấy ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện việc trưng cầu giám định các nội dung liên quan đến cuộc thanh tra;
c) Phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra;
d) Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng;
đ) Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời gian thanh tra;
e) Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra.
2. Việc gia hạn thời hạn thanh tra do Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ mục 1 nêu trên, việc gia hạn thời gian thanh tra không được quá thời hạn quy định tại mục A nêu trên.
Trưởng đoàn thanh tra có văn bản gửi Người ra quyết định thanh tra đề nghị gia hạn kèm theo dự thảo quyết định gia hạn thời gian thanh tra; văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, thời gian gia hạn.
3. Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được gửi cho Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Note: Để hiểu hơn về thanh tra, kiểm tra thuế các bạn đọc các bài viết dưới đây: