Tiền lương không đóng bảo hiểm có được tính là chi phí được trừ? Làm sao mà được nhỉ, bảo hiểm là bắt buộc, không đóng mà đòi là chi phí được trừ, vô lý. Nhưng chúng ta cùng tìm hiểu nhé:
Có một thực tế đã tồn tài bao lâu nay là:
- Doanh nghiệp có lao động ký hợp đồng dài hạn mà không tham gia bảo hiểm một ai cả
- Doanh nghiệp có cả chục cả trăm người mà chỉ có vài người được tham gia bảo hiểm
- Doanh nghiệp trả lương cho người lao động một đằng, nhưng lương tham gia bảo hiểm lại một đằng khác
Những trường hợp như vậy dẫn đến việc khác nhau giữa lương tính vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và lương tính đóng bảo hiểm – lương tính vào chi phí lớn hơn lương đóng bảo hiểm.
Tiền lương không đóng bảo hiểm
Vậy những khoản tiền lương không đóng bảo hiểm như thế có được tính vào chi phí được trừ không?
Chúng ta cùng tìm hiểu về quy định của thuế để được tính chi phí tiền lương vào chi phí được trừ:
Căn cứ Tiết b, điểm 2.6, khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC)
b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Nội dung trên cho thấy, chi phí tiền lương sẽ hợp lý nếu được quy định và ghi rõ tại một trong các văn bản sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty. (ngoài ra còn một số quy định khác, nhưng không liên quan đến bảo hiểm)
Như vậy: Trong những quy định của Luật thuế TNDN, không có quy định nếu tiền lương không đóng bảo hiểm thì không được tính vào chi phí được trừ.
- Về Luật bảo hiểm: Nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho nhân viên, doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp và truy thu bảo hiểm khi cơ quan bảo hiểm phát hiện ra doanh nghiệp không đóng bảo hiểm theo quy định tại Luật bảo hiểm.
- Về Luật thuế TNDN: Chi phí tiền lương của doanh nghiệp nếu có đầy đủ chứng từ thì được tính vào chi phí được trừ khi chi phí lương này có đầy đủ chứng từ hợp pháp theo quy định.
=> Vậy nên doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ về người lao động, về các khoản chi tiền lương, tiền công thì chi phí tiền lương không đóng bảo hiểm vẫn được tính vào chi phí hợp lý.
Song kiếm hợp bích giữa cơ quan thuế và bảo hiểm
Hiện tại thì đã có văn bản kết hợp kiểm tra liên ngành giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, nếu cơ quan thuế phát hiện những sai phạm về bảo hiểm của DN thì cơ quan thuế có quyền gửi văn bản, chuyển hồ sơ doanh nghiệp sang cơ quan Bảo hiểm để cơ quan bảo hiểm vào cuộc sử lý. Những sai phạm mà cơ quan thuế có thể phát hiện đó chính là những vấn đề đã nêu ở đầu bài viết.
Sự kết hợp giữa cơ quan thuế và BHXH được quy định tại Quy chế phối hợp công tác số 5423/QCPH-BHXH-TCTngày 31/12/2014.
Chúc các bạn kế toán hiểu đúng và làm đúng nhé 🙂
Xem thêm về bảo hiểm: