Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân là gì? Những trường hợp nào đủ điều kiện ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập quyết toán thay thuế thu nhập cá nhân cho mình? Hồ sơ ủy quyền là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé:
1. Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công là gì?
Là việc cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay thuế thu nhập cá nhân cho mình (nếu đủ điều kiện ủy quyền quyết toán). Khi nhận ủy quyền quyết toán thay thì tổ chức trả thu nhập chỉ quyết toán thay phần thu nhập mà tổ chức chi trả cho cá nhân đó trong năm (trừ trường hợp ở mục 3.1).
2. Những trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế TNCN
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức trả thu nhập trong các trường hợp sau:
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch
Ví dụ:
- Ông A làm việc tại Công ty B từ ngày 04/04/N.
- Tại thời điểm tháng 3/N+1 Cty B đang thực hiện việc quyết toán thuế TNCN cho năm N thì ông A vẫn đang làm việc.
- Trong năm N ông A không có thu nhập nào khác ngoài thu nhập từ Công ty B.
- Cho dù làm việc chưa đủ 12 tháng trong năm N nhưng ông A vẫn đủ điều kiện ủy quyền cho Công ty B quyết toán thay thuế TNCN cho mình.
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. (Tức là cá nhân chấp nhận nộp thuế 10% cho thu nhập vãng lai và chỉ quyết toán phần thu nhập nhận tại tổ chức ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên mà hiện tại đang làm việc. Tổ chức này chỉ quyết toán phần thu nhập trả cho cá nhân mà không liên quan đến thu nhập vãng lai)
Ví dụ:
- Ông X làm việc tại Công ty Y từ ngày 04/04/N.
- Tại thời điểm tháng 3/N+1 Cty Y đang thực hiện việc quyết toán thuế TNCN cho năm N thì ông X vẫn đang làm việc.
- Ngoài thu nhập từ Cty Y thì trong năm N ông X còn có thu nhập vụ việc (vãng lai) tại Cty Z và Cty G. Những thu nhập này ông X đều bị Cty Z và G khấu trừ 10% thuế TNCN. Tổng số tiền thuế bị khấu trừ ở Z và G là 10trđ.
- Ông X là công dân tốt, chấp nhận nộp 10trđ tiền thuế vãng lai và không có nhu cầu quyết toán đối với phần thu nhập vãng lai tại Cty Z và G. Nên ông X đủ điều kiện ủy quyền cho Cty Y quyết toán thay phần thu nhập của ông tại Cty Y.
3. Ủy quyền quyết toán thuế TNCN trong một số trường hợp khác
3.1. Với lao động điều chuyển
Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống (Tổng công ty, Công ty mẹ – Công ty con, Trụ sở – Chi nhánh…) thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới. Tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả.
Khi quyết toán Tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hoặc thư xác nhận thu nhập do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động để làm căn cứ tổng hợp thu nhập và số thuế đã khấu của người lao động.
3.2. Với lao động nước ngoài
Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định về quyết toán thuế đối với cá nhân.
Khi tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày cá nhân xuất cảnh.
4. Điều kiện ủy quyền quyết toán
Cá nhân phải có mã số thuế thu nhập cá nhận tại thời điểm ủy quyền
5. Hồ sơ ủy quyền quyết toán thay
Cá nhân thuộc trường hợp được ủy quyền quyết toán thay và đã có mã số thuế TNCN nộp cho tổ chức trả thu nhập:
- Mẫu ủy quyền 02/UQ-QTT-TNCN
- Bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).
- Trường hợp có nhiều lao động thuộc trường hợp ủy quyền quyết toán thì có thể lập danh sách cá nhân ủy quyền. Trên danh sách phản ánh đầy đủ nội dung của mẫu ủy quyền 02/UQ-QTT-TNCN.
6. Xử lý sau khi quyết toán thay mà cá nhân phải tự quyết toán với cơ quan thuế
Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Trên đây là toàn bộ lưu ý về các trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ để cùng chia sẻ, hoặc để lại ý kiến ở phần bình luận nhé. Cảm ơn và chúc thành công!
Xem thêm về thuế thu nhập cá nhân: