Xử lý chi phí lãi vay không được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được hướng dẫn khá cụ thể tại các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ điểu 2.18, khoản 2, điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC, ngày 22/06/2015 – sửa đổi, bổ sung thông tư 78/2014/TT-BTC.
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
>> Căn cứ hướng dẫn trên, khoản chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, được xác định như sau:
1. Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ
1.1. Ví dụ
+ Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 02/01/20N, Công ty A đăng ký vốn điều lệ là 10 tỷ đồng và cam kết góp đủ vốn ngay khi thành lập.
+ Thực tế ngày 02/01/20N, các thành viên mới góp được 6 tỷ đồng, số vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu là 4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40% số vốn điều lệ đã đăng ký). Công ty A đi vay thêm 4 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Ngày 01/04/20N, các thành viên góp thêm 2 tỷ đồng, số vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu là 2 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 20% số vốn điều lệ đã đăng ký). Từ 01/04/20N đến 31/12/20N các thành viên không góp thêm vốn.
1.2. Tính chi phí lãi vay như sau:
+ Chi phí lãi vay từ 02/01 đến 31/03 là 600 triệu đồng (khoảng thời gian này chưa góp đủ là 4 tỷ đồng)
+ Chi phí lãi vay từ 01/04 đến 31/12 là 400 triệu đồng (khoảng thời gian này chưa góp đủ là 2 tỷ đồng)
=> Tổng lãi tiền vay Công ty phải trả trong năm là 1 tỷ đồng.
1.3. Xử lý chi phí lãi vay không được trừ khi quyết toán thuế TNDN như sau:
+ Khoản lãi tiền vay 1 tỷ đồng được tính trên số tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ chưa góp đủ của Công ty. Nên 1 tỷ đồng này là chi phí không được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Cuối năm khi quyết toán thuế TNDN năm 20N, bạn nhập phần chi phí lãi vay không được trừ này vào chỉ tiêu [B4] trên tờ khai quyết toán mẫu 03/TNDN là 1 tỷ đồng.
2. Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn
2.1. Ví dụ
+ Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 02/01/20N, Công ty A đăng ký vốn điều lệ là 10 tỷ đồng và cam kết góp đủ vốn ngay khi thành lập.
+ Thực tế đến ngày 02/01/20N, các thành viên mới góp được 6 tỷ đồng, số vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu là 4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40% số vốn điều lệ đã đăng ký).
+ Ngày 01/02/20N Công ty A đi vay thêm 5 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh lãi suất 10%/năm thời hạn vay là 2 năm.
+ Ngày 01/01/20N+1, các thành viên góp thêm 4 tỷ đồng để hoàn thành số vốn đăng ký kinh doanh
2.2. Tính chi phí lãi vay như sau:
+ Chi phí lãi vay năm 20N từ ngày 01/02/20N đến ngày 31/12/20N (11 tháng):
= 5 tỷ đồng x 10%/12 x 11 tháng = 458.333.333 đ
a. Xuất toán chi phí:
Phần chi phí lãi vay tương với phần vốn góp điều lệ còn góp thiếu là 4 tỷ không được tính vào chi phí được trừ:
= 4 tỷ đồng x 10%/12 x 11 tháng = 366.666.667 đ
b. Chi phí lãi vay hợp lý được trừ:
Phần chi phí lãi vay tương ứng với phần tiền vay được trừ khi xác định thuế TNDN:
= 458.333.333 đ – 366.666.667 đ = 91.666.667 đ
2.3. Xử lý chi phí lãi vay không được trừ khi quyết toán thuế TNDN như sau:
+ Cuối năm khi quyết toán thuế TNDN năm 20N, bạn nhập phần chi phí lãi vay không được trừ vào chỉ tiêu [B4] trên tờ khai quyết toán mẫu 03/TNDN là 366.666.667 đ.
+ Do ngày 01/01/20N+1 các thành viên đã góp đủ vốn nên chi phí lãi vay năm từ năm 20N+1 trở đi tính trên 5 tỷ đồng được tính toàn bộ vào chi phí được trừ mà không bị xuất toán.
Trên đây là hướng dẫn xử lý chi phí lãi vay không được trừ khi mà Doanh nghiệp chưa góp đủ vốn. Một trường hợp khác về chi phí lãi vay cũng xử lý tương tự (loại ở mục B4) đó là việc đi vay của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay (ví dụ các trường hợp vay cá nhân).
Đây là khoản chi phí mà khá nhiều các kế toán không để ý tới, nên rất dễ bị xuất toán khi thanh tra thuế. Đặc biệt nguy hiểm với những Công ty mà góp vốn ảo (góp ảo bằng tiền mặt, nhưng thực tế chưa đủ vốn). Nếu không giải trình được phần tiền mặt đang dư quá nhiều dùng để làm gì thì cũng rất có thể các bạn sẽ bị xuất toán chi phí lãi vay.
Nguồn chudinhxinh (đã được sửa đổi bổ sung thêm)
BẠN NÊN XEM: